Trẻ chậm nói

Trẻ chậm nói – Phòng khám Tâm lý Cần Thơ

Trẻ chậm nói đang là vấn đề phổ biến hiện nay, theo thống kê của các phòng khám tâm lý trẻ em thì đây là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ huynh đưa trẻ đến khám, đứng thứ hai là tăng động. Chậm nói là một biểu hiện khả năng ngôn ngữ diễn đạt của trẻ kém hơn so với sự phát triển chung của các bạn cùng trang lứa. Đây là biểu hiện của rất nhiều rối loạn, cũng như có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm nói. Có thể phân ra các nhóm nguyên nhân sau làm cho trẻ chậm nói hơn so với các trẻ khác:

  1. Các khuyết tật ở tai và miệng

Trẻ có vấn đề về thính giác như giảm thính lực hoặc khiếm thính (bị điếc) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ và có thể không nói được như trẻ thường. Mặc khác, trẻ bị dị dạng khẩu cái, sứt môi, hở hàm ếch cũng dẫn đến khó khăn về ngôn ngữ. Một vấn đề rất thường được bác sĩ nhắc đến khi trẻ chậm nói là “dính thắng lưỡi” hay “dính phanh lưỡi” cũng làm cho trẻ chậm nói hơn ở giai đoạn sớm của ngôn ngữ, phụ huynh có thể tự kiểm tra thắng lưỡi của trẻ qua đối chiếu với các hình ảnh dính thắng lưỡi dưới đây.

  • “Hội chứng con vua” hay “chậm nói do môi trường”

Là tình trạng trẻ chậm nói do môi trường sống và nuôi dạy trẻ. Nhóm nguyên nhân thường gặp là trẻ sử dụng quá nhiều các thiết bị thông minh như tivi, điện thoại, máy tính bảng… khi sử dụng các thiết bị này, chủ yếu trẻ chỉ giao tiếp một chiều nên ít phát triển lời nói. Một vấn đề phổ biến khác là môi trường ít kích thích về ngôn ngữ, như việc phụ huynh ít giao tiếp với trẻ hoặc luôn đáp ứng rất nhanh những yêu cầu của trẻ cũng dẫn đến việc trẻ chậm nói.

  • Rối loạn phát triển lan tỏa.

Đây là một nhóm các rối loạn phát triển phức tạp ở não bộ mà trong đó rối loạn phổ tự kỷ chiếm đa số. Tự kỷ làm cho trẻ khiếm khuyết khả năng giao tiếp cũng như ngôn ngữ, đi kèm với đó và các hành vi sở thích khác thường. Chậm nói là một triệu chứng rất phổ biến ở trẻ tự kỷ, được liệt và những dấu hiệu báo động đỏ hay gặp nhất của rối loạn này nhưng không phải tất cả trẻ chậm nói đều tự kỷ, tuy nhiên cần tầm soát sớm rối loạn này ở những trẻ có biểu hiện chậm nói. (phụ huynh nên xem thêm bài viết về tự kỷ)

  • Chậm phát triển.

Hay còn gọi là khiếm khuyết trí tuệ, đây là rối loạn làm cho trẻ kém phát triển hơn so với khác trẻ khác ở hầu hết lĩnh vực trong đó có ngôn ngữ. Chậm phát triển được chia làm bốn mức độ. Mức độ nhẹ, ở giai đoạn tuổi mầm non trẻ có thể không biểu hiện gì hoặc chỉ biểu hiện chậm nói. Mức độ trung bình trẻ có thể biểu hiện chậm nói, đi kèm với việc học màu sắc hay hình ảnh chậm hơn trẻ khác. Mức độ nặng và trầm trọng trẻ biểu hiện một cách rõ rệt, ngoài chậm nói, trẻ còn chậm vận động, chậm hiểu biết, thậm chí không thể nói được và có những rối loạn thực thể đi kèm…

Để xác định trẻ chậm nói phụ huynh có thể dựa vào các mốc phát triển bình thường của trẻ. Dưới đây là một số cột mốc được khuyến cáo để xác định trẻ chậm nói:

–       12 tháng: trẻ chưa bập bẹ “ba ba”

–       16 tháng: trẻ chưa thể tự nói từ đơn 

–       24 tháng: trẻ chưa nói được từ đôi

–       36 tháng: trẻ chưa tự đặt được câu hỏi

–       48 tháng: trẻ chưa thể nói được câu dài với các liên từ

Vì chậm nói là một triệu chứng của rất nhiều rối loạn nên cần đưa trẻ đi khám sớm để xác định nguyên nhân và có giải pháp can thiệp sớm. Để biết thêm thông tin, phụ huynh có thể xem slide bài giảng về chậm nói của Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thiện Thắng, giảng viên trường Đại học Y Dược Cần Thơ, hoặc liên hệ Phòng khám Tâm Lý Cần Thơ số 0707959979 để được tư vấn.